Thời kỳ góa phụ Lưu Thanh Tinh

Năm Nguyên Phù thứ 3 (1100), mùa xuân, ngày Kỷ Mão, Tống Triết Tông đột ngột băng hà khi chỉ vừa 25 tuổi. Tình thế đó khiến Khâm Thánh Hoàng thái hậu Hướng thị chủ trì đại cuộc, lập Đoan vương Triệu Cát làm Tân đế, tức Tống Huy Tông. Ngày Tân Tị, Lưu Hoàng hậu thân là Hoàng tẩu, bèn được phong làm Nguyên Phù Hoàng hậu (元符皇后)[8].

Bấy giờ, Hoàng thái hậu Hướng thị thông qua quan Thượng thư Tả bộc xạ Hàn Trung Ngạn (韓忠彥), dâng sớ lên nói rằng Mạnh Hoàng hậu vô tội, xin được phục hồi địa vị. Tống Huy Tông cho đón Mạnh Hoàng hậu trở về cung, phong làm Nguyên Hựu Hoàng hậu (元祐皇后). Việc này khiến Nguyên Phù Hoàng hậu cực kì căm phẫn.

Năm sau (1101), mùa xuân, Hướng Thái hậu qua đời, phe Tân pháp lại được dịp nổi lên, trừ bỏ phe Thủ cựu. Nguyên Phù Hoàng hậu căm ghét việc Nguyên Hựu Hoàng hậu phục vị nên giật dây Thái Kinh dâng tấu lên Tống Huy Tông, nói Nguyên Hựu Hoàng hậu không đáng phục vị, Huy Tông bất đắc dĩ phải đưa Nguyên Hựu Hoàng hậu trở lại Diêu Hoa cung. Nguyên Phù Hoàng hậu còn căm ghét Trâu Hạo chuyện can giáng việc lập Hậu khi trước, bèn ngầm ám thị Thái Kinh kiếm một bản sớ trước kia của Hạo tố cáo: "Lưu hậu đoạt con của Trác thị. Giết mẹ đoạt con, dối người nhưng không dối được trời" và bảo Trâu Hạo là kẻ điên cuồng. Tống Huy Tông nổi giận, cho rằng Trâu Hạo phỉ báng Tiên đế và Nguyên Phù Hoàng hậu, bèn đày Trâu Hạo ra an trí ở Vĩnh Châu[9].

Năm Sùng Ninh thứ 2 (1103), tháng 2, Tống Huy Tông tiến phong Nguyên Phù Hoàng hậu làm Thái hậu, do trú ở Sùng Ân cung nên cũng gọi thành Sùng Ân Thái hậu (崇恩太后). Danh vị Thái hậu này của bà không phải danh hiệu Hoàng thái hậu tôn quý, do bà chỉ là hoàng tẩu[10]. Lưu Thái hậu từ khi đó sinh kiêu ngạo quá độ, muốn can dự cả việc bên ngoài, tư thông với nhiều người. Khi Tống Huy Tông bị bệnh, mưu đồ can dự chính sự dã tâm. Quần thần bất mãn ngày càng nhiều, có người bí mật tâu lên Tống Huy Tông khiến Hoàng đế không vui.

Năm Chính Hòa thứ 3 (1113), tháng 2, Tống Huy Tông bàn định quần thần, chuẩn bị nghị phế. Ngày Tân Mão (9), Sùng Ân cung Thái hậu Lưu thị uất ức treo cổ tự tử, khi 35 tuổi. Tháng 4, sách thụy là Chiêu Hoài Hoàng hậu (昭懷皇后), sang tháng 5 ngày Bính Ngọ (27) thì được táng vào Vĩnh Thái lăng (永泰陵) và sang tháng 6 thì thăng phụ thần chủ lên Thái Miếu bên cạnh thần vị của Tống Triết Tông[11].